Ly Rượu Mừng Của Chúng Tôi

Tôi mới lấy xuống mấy cái nón cối Hướng đạo (Vi Xi) ra khỏi trang fb của mình sau một ngày khoe ra cho mọi người thấy. Lấy ra chẳng phải sợ vì đám ANIMAL quấy rầy mà chỉ vì muốn trang fb của mình không bị bẩn vì mấy cái nón vớ vẩn ấy và tự nhủ rằng hãy quên nó đi cho đỡ bực trí. Thế nhưng mấy ngày qua, vẫn còn trong Tết một cái nón cối khác lại được “chụp” lên đầu một bản nhạc Xuân nổi tiếng, một-khúc-nhạc-Xuân-của-miền-Nam của chúng tôi, bài Ly Rượu Mừng từ khi nhạc sĩ Phạm Đình Chương sáng tác ra trong những năm Sáng Dội Miền Nam đã được hát với tất cả con tim người Việt Tự Do vui mừng khao khát mơ ước tin yêu hy vọng về một ngày Xuân tươi sáng của dân tộc và những giai điệu Xuân ấy đã được trổi lên từ thành thị đến thôn quê dù trong thanh bình hay chiến tranh, mỗi khi Xuân về, suốt hơn 20 năm tự do ngắn ngủi trên quê hương Miền Nam thân yêu của chúng tôi và Ly Rượu Mừng chỉ bị ép buộc tạm im vì bị Đảng ngăn cấm trong hơn 40 năm kế tiếp khi đất nước đổi chủ thay tên chỉ vì người nhạc sĩ sáng tác là Phạm Đình Chương đã viết một câu trong bài hát:  “Chúc người binh sĩ lên đàng chiến đấu công thành, sáng cuộc đời lành, mừng người vì Nước quên thân mình…”
 
Những người “binh sĩ vì Nước quên thân mình” ấy đã bị đày đọa, bị bỏ tù không án, bị khinh miệt, bị giết chết tức tưởi … trong các nhà tù vô nhân đạo khắp nơi, từ miền nam ra tới miền bắc bởi “bên thắng cuộc” suốt 40 năm sau cuộc chiến tương tàn bi tráng đó và cùng chết với họ là các “ thương gia lợi tức” bị tịch thu tài sản nhà cửa và đuổi họ lên vùng “kinh tế mới” hay ra biển, là “ người công nhân ấm no “ phải chia nhau từng khúc khoai sắn vài mẫu mỡ thừa…, là “anh nông phu vui lúa thơm hơi” nay phải cày thay trâu trong các “hợp tác xã” để đổi “công điểm” chết đói …, là những đôi uyên ương xây tổ ấm trong túp lều tranh trên vùng “kinh tế mới” hay các “công trường thủy lợi … cùng chết với giai điệu mùa xuân tuyệt vời đó là “ người nghệ sĩ” miền Nam đã làm nên “tiếng thi ca nét chấm phá tô thêm đời mới” thì nay họ đã bị bẻ bút, đập đàn vứt cọ … sống chui nhủi thậm chí vào tù như những tên “biệt kích cầm bút” và để lại sau lưng tất cả họ là các “bà mẹ già từ lâu mong con mắt vương lệ nhoà” chờ con về từ tù ngục, mong tin con vượt biển bình an….
 
Bài hát đó là của người dân miền Nam Tự Do một thời của chúng tôi được hát vang, hát lớn lên khắp nơi trên quê hương với mơ ước 
 
“ Lời ước thiêng liêng
Chúc non sông hoà bình, hoà bình
Ngày máu xương thôi tuôn rơi
Ngày ấy quê hương yên vui
đợi anh về trong chén tình đầy vơi
Nhấc cao ly này
Hãy chúc ngày mai sáng trời tự do
Nước non thanh bình
Muôn người hạnh phúc chan hoà
Ước mơ hạnh phúc nơi nơi
Hương thanh bình dâng phơi phới”
 
Ly Rượu Mừng ấy đã theo đoàn người di tản, đánh đổi mạng sống và nhiều thứ để chọn tự do … đã cùng nhau hát vang lên mỗi mùa Xuân lưu xứ, trong ngậm ngùi ly hương, đoanh tròng nước mắt trong nỗi vui khi đặt chân đến trại tạm cư … hay qui tụ cùng nhau trên các miền đất mới tạm dung khắp thế giới , hát lên từ những tiếng hát Thái Thanh, Lệ Thu, Anh Ngọc , Sĩ Phú … và rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng của miền Nam , hát vang leen từ những đám đông vô danh say sưa giai điệu Ly Rượu Mừng đón Xuân về nơi hải ngoại hay hát âm thầm trong tim của người ở lại.
 
Dẫu buồn dẫu vui, mặc nhiên Ly Rượu Mừng đó là của chúng tôi.
Mỗi khi Xuân về Tết đến chúng tôi vẫn nâng ly hát vang cùng nhau bài hát ấy cùng với các bạn tôi các anh em tôi hoá trang thành các“ bà mẹ già , anh nông phu, người công nhân, người thương gia, người nghệ sĩ cùng anh lính chiến miền Nam ….” hát lên với niềm mơ ước với nỗi hoài vọng không nguôi …..
 
Ấy thế mà mới vừa đây thôi một “ cậu đi vô đi ra”…gì gì ấy ở trong nước từng hát nhạc “đỏ” nay chuyển qua nhạc “vàng”…đã chụp cái “nón cối” lên “người binh sĩ” của chúng tôi trong cái “Mờ Vờ” mới nhất của cậu ấy, thời cậu ca sĩ này đã làm “những người yêu nhạc xưa (dòng nhạc vàng và tiền chiến) phẫn nộ khi được xem qua MV mới nhất của ca sĩ này”
 
Cậu ấy “đã mặc áo bộ đội, đội nón cối để minh họa cho câu hát: “Chúc người binh sĩ lên đàng chiến đấu công thành, sáng cuộc đời lành, mừng người vì Nước quên thân mình…” ( Trích báo mạng) 
 
Chúng tôi yêu nhạc sĩ Phạm Đình Chương (1929-1991) của chúng tôi từ những bài hát vui tươi hùng tráng cho tuổi trẻ như các bài “ Ra đi khi trời vừa sángHò leo núi, Trăng rừng, Sáng rừng…” cho đến Thằng CuộiĐược mùaTiếng dân chài, Hội Trùng Dương…và rất nhiều bản nhạc nổi tiếng khác: Xóm đêmLy rượu mừngĐón xuânĐêm cuối cùngThuở ban đầu,Người đi qua đời tôiNửa hồn thương đau . Những bản nhạc phổ thơ của ông đã trở thành những bài hát bất hủ như Đôi mắt người Sơn Tây (thơ Quang Dũng), Mộng dưới hoa (thơ Đinh Hùng), Nửa hồn thương đau (thơ Thanh Tâm Tuyền), ĐêmMưa Sài Gòn, Mưa Hà Nội ( H.A. Tuấn ). Phạm Đình Chương còn có một bài hát nổi tiếng ca ngợi người lính đó là ca khúc Anh Đi Chiến Dịch.
 
Bài hát Ly Rượu Mừng được trình bày đầu tiên với Ban Hợp Ca Thăng Long ở Saigon vào thập niên 1950 sau đó đã được yêu mến và phổ biến sâu rộng ơn Miền Nam Tự Do hơn 20 năm cho đến bây giờ tại hải ngoại, vì vậy việc chụp cái “nón cối “ bộ đội và “ áo trấn thủ” cho người lính trong bài hát Ly Rượu Mừng là một cầm nhầm rất vô duyên và vô cảm … làm cho chúng tôi và mọi người phẫn nộ y như vừa qua có “chị trưởng” (hướng đạo cộng sản) đội “nón cối “ trao khăn quàng cho một cháu ngoan bác … cũng vô diên và vô lối
Mà thôi đọc rồi mong quý bạn của tôi quên đi cho nhẹ cái đầu khi mùa Xuân vẫn còn đó và cùng nâng Ly Rượu Mừng cho mơ ước của chúng ta.
 
Cảm ơn người nghệ sĩ Phạm Đình Chương
Cảm ơn quý anh chị em và quý bạn
 
MAI CAO NGUYÊN 
Mùng 10 Tết Ta